Lợi ích từ nha đam
Nha đam thuộc họ cây xương rồng, có nhiều tên gọi khác nhau như: lô hội, long tu… và có tên khoa học là Aloe vera L var. Nha đam được dùng để làm cảnh trong gia đình rất nhiều, có khả năng chịu hạn, sống khỏe, lá đẹp xanh quanh năm.
Ngoài được trồng là cây cảnh, nha đam còn được dùng làm mỹ phẩm bôi ngoài da, vị thuốc Đông y và trong ẩm thực.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y nha đam vị đắng, tính hàn, có tác dụng thông đại tiện, thanh nhiệt, mát gan, sát trùng.
Dùng nha đam làm thuốc kiện tỳ, mỗi lần uống 0,01 – 0,03g. Dùng làm thuốc nhuận trường (nhuận tràng), mỗi lần uống 0,06 – 0,2g.
Nha đam còn được dùng làm thuốc mát gan, sát khuẩn, chữa viêm loét dạ dày, làm lành vết thương, chống lão hóa… Trong cây nha đam chứa một số enzyme có thể giúp cơ thể chuyển hóa đường và chất béo, nó đồng thời cũng làm giảm viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra nha đam còn có khả năng kháng nấm và kháng khuẩn rất tốt, tăng cường khả năng miễn dịch, chữa khỏi loét miệng và làm sạch răng…
Trong cây nha đam còn có rất nhiều vitamin B12 và các loại vitamin khác như: E, C, A, B1, B2, B3 và B6. Đây đều là chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe.
Tính độc trong cây nha đam cần cẩn trọng
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết dù nha đam là một loại cây có dược liệu tốt nhưng có tính độc, nên vẫn cần phải cẩn trọng khi dùng. Trong Đông y, nha đam còn được dùng làm thuốc tẩy xổ với liều 1 – 2g.
Trong cây nha đam có chứa chất latex (mủ), nếu dùng liều cao sẽ không an toàn cho sức khỏe. Mủ nha đam có thể gây ra các tác dụng phụ cho người có bệnh lý về dạ dày. Nếu sử dụng mủ nha đam lâu dài, một lượng lớn mủ nha đam có thể gây tiêu chảy, các vấn đề về thận, máu trong nước tiểu, kali thấp, yếu cơ, giảm cân và rối loạn tim. Thậm chí, nếu uống 1g nha đam mỗi ngày trong vài ngày có thể gây tử vong.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay do nha đam có tính độc nên cần phải cẩn trọng khi dùng. Người có bệnh về tim mạch không nên dùng nha đam vì sẽ có nguy cơ gây loạn nhịp tim. Đặc biệt, phụ nữ có thai không nên sử dụng nha đam vì tiềm ẩn nguy cơ gây sẩy thai.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra chất aloin trong phần lá của nha đam có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho gan, đại trực tràng. Điều này xảy ra ở những người quá mẫn cảm với aloin.
Để sử dụng nha đam an toàn, lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo:
– Khi dùng nha đam làm vị thuốc cần lưu ý sử dụng đúng với tình trạng bệnh và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Người cao tuổi nên thận trọng khi dùng nha đam.
– Phụ nữ có thai không nên dùng.
– Nha đam có tác dụng tẩy mạnh, vì vậy nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng hoặc người bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng.