Nha đam hay lô hội được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia và được biết đến với nhiều công dụng cho sức khỏe và sắc đẹp. Loại thực vật này cung cấp những dưỡng chất tốt cho cơ thể và có chứa một số thành phần được dùng để điều chế thuốc. Đặc biệt, dưỡng chất trong lá nha đam cực kỳ tốt cho da.
Thành phần dinh dưỡng của nha đam
Thành phần dinh dưỡng trong nha đam rất đa dạng, đặc biệt là các chất chống oxy hóa. Gel của nó có chứa hơn 75 thành phần hoạt động, hỗ trợ chữa lành và trẻ hóa hầu hết hệ thống cơ thể. Một số dưỡng chất trong nha đam có thể kể đến như:
- Vitamin: Tất cả các vitamin (A, C và E) có trong nha đam đều là những chất chống oxy hóa mạnh. Ngoài ra, còn có acid folic, vitamin B12 và choline.
- Các khoáng chất như: Canxi, kali, natri, crom, đồng, mangan, magie, selen và kẽm.
- Các loại enzyme: Oxidase, catalase, lipase, amylase… là những enzyme giúp phân hủy đường và chất béo từ thức ăn. Nhờ đó cải thiện quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Đường: Gồm monosaccharide (fructose và glucose) và polysaccharide với các đặc tính chống dị ứng và chống viêm hiệu quả.
- Anthraquinon: Nha đam cung cấp 12 anthraquinon, trong đó có aloin và emodin, hoạt động như thuốc giảm đau, kháng khuẩn và kháng virus.
- Acid béo (hoặc sterol thực vật): Chúng có đặc tính khử trùng và chống viêm.
- Hormone auxin và gibberellin: Vừa giúp chữa lành vết thương vừa có tác dụng chống viêm.
- Acid amin: Nha đam chứa 20 trong số 22 acid amin cần thiết giúp xây dựng protein trong cơ thể con người.
- Ngoài ra, nha đam cũng chứa acid salicylic (chống viêm và chống vi khuẩn), saponin (làm sạch và sát trùng) và lignin (tăng cường sự hấp thụ của nha đam khi bôi trên da).
Trung bình 100g nha đam cung cấp khoảng 53 calo và năng lượng chủ yếu này đến từ carbohydrate. Với hàm lượng calo thấp, nha đam là thực phẩm lý tưởng để ăn kiêng.
Nha hay hay lô hội chứa nhiều thành phần dinh dưỡng
Nha đam ăn sống có an toàn không?
Mỗi lá nha đam gồm có 3 phần: Vỏ, phần thịt và gel. Trong đó, thịt và gel là những phần chứa nhiều dưỡng chất có ích cho sức khỏe và làm đẹp. Mọi người thường sử dụng gel nha đam để thoa lên da. Nhưng thực tế chất gel này vẫn ăn được vì chúng không hề gây hại. Vỏ nha đam tuy không có nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại có kết cấu giòn, hương vị nhẹ và an toàn nên bạn cũng có thể ăn trực tiếp được.
Việc ăn nha đam sống được đánh giá là an toàn
Như vậy, có thể khẳng định lá nha đam khá an toàn để ăn sống. Trong ẩm thực, nha đam được sử dụng để làm sinh tố, nấu chè, nước ép, làm thạch hay salad… Tuy nhiên, để ăn sống nha đam bạn cần sơ chế cẩn thận, rửa và ngâm trong nước muối pha loãng để sạch bụi bẩn. Đặc biệt, phần nhựa vàng của nha đam cần được loại bỏ hoàn toàn trước khi sử dụng để tránh gây các tác dụng phụ không mong muốn.
Bên cạnh đó, bạn không ăn các loại gel nha đam chăm sóc da. Khác với nha đam tươi, gel và các sản phẩm chăm sóc da từ nha đam khác không phải thực phẩm có thể ăn được. Các dòng sản phẩm này được sản xuất và bào chế với mục đích làm dịu vết cháy nắng, giữ ẩm, giảm ngứa, giảm viêm, chăm sóc và điều trị các vấn đề da liễu.
Mặt khác, gel nha đam trong các sản phẩm thương mại thường chứa chất bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng và các thành phần hóa học khác để cải thiện mùi, màu sắc và kết cấu. Các hoạt chất này không ăn được nên bạn cần lưu ý không ăn các loại gel nha đam chăm sóc da.
Gel nha đam trong các sản phẩm thương mại khác với nha đam tươi nên không được ăn
Ăn nha đam sống có tác dụng gì?
Ngoài các cách sử dụng nha đam làm đẹp da, ăn sống có thể giúp bạn hấp thụ toàn bộ dưỡng chất có trong loại lá này. Dưới đây là một số lợi ích tiềm năng của việc ăn sống nha đam:
- Giảm chỉ số đường huyết: Trong các nghiên cứu tiến hành trên người và động vật, gel nha đam đã được chứng minh có khả năng tăng độ nhạy insulin và giúp giảm lượng đường trong máu.
- Có thể ức chế các tín hiệu viêm: Một số nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cũng cho thấy chiết xuất nha đam đã ức chế tình trạng viêm nhiễm và các tín hiệu viêm như IL-1, IL-6 và TNFα.
- Làm đẹp da: Ăn sống nha đam giúp chống lão hóa và nám da, duy trì độ ẩm, giúp da thêm mịn màng, tươi trẻ, trắng dần lên và khỏe mạnh ngay từ bên trong.
- Giảm mảng bám răng: Sử dụng nước ép nha đam như nước súc miệng có khả năng giảm tích tụ mảng bám răng cực kỳ hiệu quả.
- Giúp tăng cường trí nhớ: Việc tiêu thụ gel nha đam cũng được nghiên cứu là có thể giúp bạn tăng cường khả năng học tập và trí nhớ đồng thời giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm.
- Chống oxy hóa: Thường xuyên ăn nha đam tươi có thể gia tăng mức độ chống oxy hóa trong máu. Nhờ đó chống lại thiệt hại các gốc tự do gây ra, hạn chế nhiều bệnh mãn tính do yếu tố này gây ra.
Cần chú ý khi ăn nha đam sống để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe
Lưu ý khi ăn nha đam sống
Khi ăn nha đam sống bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Nhựa lá nha đam có nhiều tác hại với sức khỏe. Tiêu thụ lâu dài nhựa nha đam sẽ gây ra các tác dụng phụ như: Co thắt dạ dày, nhịp tim không đều, yếu cơ và các vấn đề về thận. Ăn phải nhựa nha đam liều cao với mức trên 1g/ngày và kéo dài còn có thể gây tử vong.
- Tránh sử dụng nha đam cho phụ nữ mang thai vì có thể kích thích co bóp tử cung, gây sảy thai rất nguy hiểm cho mẹ bầu.
- Những người bị rối loạn tiêu hóa như bị bệnh Crohn, viêm ruột cũng không sử dụng nha đam tươi.
- Không dùng nha đam tươi khi bạn đang dùng thuốc trị tiểu đường, tim hoặc thận vì có thể làm giảm tác dụng từ thuốc.
- Một số hợp chất trong nhựa cây nha đam khi tích lũy sẽ gây suy thận nên những người bị bệnh lý về thận không nên ăn nhiều loại lá này.
Từ lâu, nha đam đã được ứng dụng trong y học cổ truyền và các nghiên cứu khoa học để chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Nha đam hoàn toàn có thể được dùng để ăn sống, nhưng bạn nên sơ chế thật kỹ và bỏ túi những lưu ý trên đây để bảo đảm an toàn, hạn chế gây kích ứng khi sử dụng nhé.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp