Nha đam là cây dễ trồng, dễ sinh trưởng và phát triển. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện cách trồng cây nha đam nhờ lá và cây con của chúng.
Cây nha đam là loại cây rất phổ biến trong việc trồng cảnh, bởi không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ về cách trồng cây nha đam. Trong bài viết này, mobiAgri sẽ giới thiệu về cách trồng nha đam đơn giản và hiệu quả tại nhà, các bạn hãy cùng theo dõi nhé.
Tìm hiểu về cây nha đam
Cây nha đam hay còn có tên gọi khác là cây lô hội là cây trồng quen thuộc vừa làm cảnh, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa chế biến được các món ăn. Chúng có tên khoa học là Aloe Vera, có nguồn gốc từ Bắc Phi. Lá của cây có đặc điểm dạng bẹ, không có cuống và mọc chồng lên nhau theo từng lớp lá. Màu sắc của lá cũng chuyển từ nhạt đến xanh đậm. Lá của chúng rất mọng nước, bên trong có chất nhầy.
Theo đông y, mỗi lá nha đam đều có vị ngọt, tính hàn nên có tác dụng giải nhiệt, chữa bệnh. Chúng được chế biến làm các món ăn hàng ngày với công dụng làm đẹp da, cải thiện làn da sáng mịn. Ngoài ra, cây nha đam rất dễ trồng, dễ chăm sóc, chúng còn được trưng bày làm cây cảnh trên các bàn làm việc hoặc trong ban công tại các gia đình.
Cách trồng cây nha đam bằng lá
Hiện nay, có nhiều phương pháp trồng cây nha đam đơn giản, dễ thực hiện. Trong đó, cách trồng cây nha đam dễ nhất là từ lá to của cây mẹ. Để thực hiện cách trồng này, bạn cần chuẩn bị như sau:
Chuẩn bị
- Lá to từ cây mẹ: Chọn lá nha đam lớn, không quá già của cây mẹ có khả năng phát triển tốt, sống khỏe mạnh.
- Đất trồng: Đất trồng cần có độ tơi xốp. Do đó, bạn cần trộn đất với phân hữu cơ hoặc trấu, mùn để giúp đất giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt hơn. Công thức lý tưởng để trộn đất trồng nha đam gồm có: xơ dừa, phân trùn quế, đất, trấu hun…
- Chậu trồng: Đặc điểm cây nha đam trồng 1 lần có thể thu hoạch vài năm. Do đó, bạn cần áng chừng chậu trồng thích hợp, chậu nên có đường kính tối thiểu 25cm và cao tối thiểu 30cm.
Cách trồng
Sau khi chuẩn bị đất, lá giống, chậu trồng, bạn có thể tiến hành trồng cây nha đam bằng lá. Lấy một nhánh nha đam đặt trên mặt đất, lấy tay vun để che lấp khoảng nửa lá nha đam. Tưới nước nhẹ nhàng để đất xung quanh ẩm hết. Nếu đất khô, bạn cần tưới thêm nước để cây nhanh đâm rễ và lá mới.
Cách trồng nha đam bằng cây con
Ngoài ra, một cách trồng nha đam khác tỷ lệ thành công rất cao đó chính là trồng từ cây con, được tách ra từ những cây mẹ.
Chuẩn bị
- Chậu trồng thoát nước tốt, có đường kính tối thiểu 25cm.
- Cây giống con được tách ra từ cây nha đam mẹ.
- Đất trồng tơi xốp, đất nên được bón phân hữu cơ và trộn thêm xơ dừa hoặc mùn, trấu để tạo độ tơi xốp.
Cách làm
Trước hết, bạn cần khéo léo tách cây con từ cây mẹ. Một lưu ý là hãy để cây con đạt khoảng 10cm hãy tách. Thao tác tách cây cần làm nhẹ nhàng để tránh bị đứt rễ của cây con, khiến cây khó phát triển. Bạn đổ đất đã chuẩn bị khoảng 2/3 chiều cao của chậu. Tiếp đó, bạn cầm cây con nhẹ nhàng đặt vào trong đất, lấp đất lên trên phủ kín rễ và ấn nhẹ tay để cây đứng thẳng.
Trong quá trình này bạn nên lưu ý không được lấp đất quá nhiều lấn phần bẹ lá, khiến cây úng, thối cây khi tưới nước. Đặt chậu cây ở nơi có nhiều ánh sáng và chăm sóc, tưới nước hàng ngày để cây phát triển tốt.
Cách chăm sóc cây nha đam
Với 2 cách trồng cây nha đam trên đây, tỷ lệ cây sống tương đối cao. Tuy nhiên để lá nha đam phát triển to, cây đạt chất lượng tốt, bạn cần tuân thủ một số lưu ý sau.
Tưới nước
Bạn cần tưới nước thường xuyên nhằm kích cây phục hồi lại bộ rễ. Tuy nhiên tránh tưới nước quá nhiều, tần suất tưới khoảng 1 lần/ngày là hợp lý. Khi cây đã lớn hơn hoặc vào mùa hè, bạn có thể tưới 2 lần/ngày nhưng không nên tưới quá nhiều nước trong 1 lần tưới.
Bón phân
Cây nha đam sau khi trồng khoảng 10 ngày có thể tiến hành bón phân hữu cơ. Đều đặn khoảng 20 ngày, bạn có thể lặp lại chu trình bón phân hữu cơ để gia tăng chất dinh dưỡng cho cây phát triển. tuy nhiên, quá trình bón phân cần tránh xa gốc cây để rễ không bị xót.
Phòng bệnh
Cây nha đam ít sâu bệnh, tuy nhiên vào mùa mưa nên tránh tưới nước nhiều khiến lá ứ đọng nước, vi khuẩn và nấm sẽ tấn công lá cây. Nếu phát hiện lá bị vàng hay nhũn, cần loại bỏ ngay lá cây mắc bệnh tránh ảnh hưởng tới các lá còn lại.
Nhân giống
Khi cây nha đam trưởng thành sẽ tiếp tục cho nhiều cây con xung quanh gốc. Lúc này, bạn có thể tiến hành nhân giống bằng cách nhổ những cây con mới đạt chiều cao để đem ra trồng thành chậu riêng.
Trên đây là hai cách trồng cây nha đam đơn giản, có thể thực hiện ngay và tỷ lệ thành công cao. Nhờ cách nhân giống này, bạn có thể nhanh chóng sở hữu vườn cây nha đam đẹp mắt, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.